Bản tin tâm lý

Trẻ chậm nói và căn bệnh tự kỷ

Một số ý kiến cho rằng, trẻ chậm nói đơn thuần (không phải trẻ tự kỷ) là do trẻ xem quá nhiều tivi. Có người lại cho rằng, do gia đình bất hoà, bố mẹ không có thời gian chăm sóc dạy dỗ, thậm chí còn do quá nuông chiều trẻ...

Trẻ chậm nói và căn bệnh tự kỷ: Cần được can thiệp sớm

Một số ý kiến cho rằng, trẻ chậm nói đơn thuần (không phải trẻ tự kỷ) là do trẻ xem quá nhiều tivi. Có người lại cho rằng, do gia đình bất hoà, bố mẹ không có thời gian chăm sóc dạy dỗ, thậm chí còn do quá nuông chiều trẻ...

PV chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện Nhi TƯ) xung quanh vấn đề này.

Hiện tượng trẻ chậm nói hiện nay đang làm cho không ít bậc cha mẹ thực sự lo lắng, bởi không biết nguyên nhân vì sao. Vậy TS có thể giải đáp những băn khoăn này?

 - Trẻ chậm nói đơn thuần là do rối loạn phát triển ngôn ngữ. Nguyên nhân của nó cũng giống như mọi dạng khuyết tật nặng khác, không nhận dạng được. Tuy nhiên, khi khám đánh giá những trẻ này, tôi có tìm hiểu quá trình người mẹ mang thai cũng như phát triển của trẻ thì cũng tìm ra những yếu tố bất thường. Có trẻ chậm nói vốn là một đứa trẻ được sinh non, có trẻ do bị sốt cao co giật... bị ngã chấn thương hoặc bị bất cứ một vấn đề gì gây rối loạn... đấy là những nguyên nhân thực thể.

Nguyên nhân thứ hai là do “truyền thống” chậm nói của gia đình. Có gia đình, ông nội cũng chậm nói nhưng vẫn phát triển bình thường. Có gia đình, người bố 9 tuổi mới biết nói, nên con trai của anh đến tuổi đó mới nói được. Nhưng trường hợp cả hai bố con này là chậm nói tự kỷ, chứ không phải là chậm nói đơn thuần. Anh cũng có những rối loạn thần kinh bất thường nhưng anh vẫn học được lên đến đại học y...

Có ý kiến cho rằng, việc xem tivi quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ chậm nói, ý kiến của TS thì sao?

- Tôi là nhà khoa học nên không muốn phóng đại các nguyên nhân gây bệnh. Có ai đó nói rằng chậm nói là do gia đình, là do xem tivi quá nhiều nhưng tôi cho rằng không phải. Đó không phải là nguyên nhân mà chỉ là những yếu tố tác động đến trẻ khiến cho quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm lại. Ví dụ trẻ chậm nói đơn thuần chẳng hạn, nhiều người thấy con chậm nói nên tập trung quan tâm và dành nhiều thời gian dạy dỗ con làm cho trẻ tiến bộ trông thấy.

Những gia đình có con chậm nói hiện nay cần phải làm gì, thưa TS?

- Khi con chậm nói, dù chậm nói tự kỷ hay chậm nói đơn thuần đều cần đưa con đi khám định kỳ. Như tôi đã nói, việc khám cho trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ là hết sức cần thiết. Nếu trẻ chỉ bị chậm nói đơn thuần thì bố mẹ cũng sẽ có cách can thiệp sớm, giúp cho trẻ không bị “tụt hậu” về phát triển ngôn ngữ, tránh cho trẻ không bị rơi vào nguy cơ bị chậm phát triển trí tuệ. Còn nếu trẻ bị tự kỷ thì cha mẹ cần quan tâm điều trị.

Hiện tượng, trẻ tự kỷ hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi tháng, riêng tôi phải khám cho khoảng từ 200 - 300 cháu. Hiện ở Việt Nam chưa có một điều tra nghiên cứu nào về vấn đề trẻ chậm nói, tự kỷ. Do vậy, đối phó với “căn bệnh” này, hiện y học mới chỉ can thiệp và phục hồi cho trẻ, chứ chưa tìm ra được một “phương thuốc” nào để chữa khỏi.

Nói đến “bệnh” tự kỷ, nhiều người còn không biết đến cả khái niệm đó. Phải chăng đây là một dạng “bệnh” mới nẩy sinh từ cuộc sống hiện đại - cuộc sống của công nghệ, máy móc và nhiều thứ tinh vi...?

- Tôi cho rằng, cuộc sống hiện đại nẩy sinh nhiều bệnh tật mới, ví dụ như ung thư, đái đường. Rõ ràng nẩy sinh nhiều bệnh mới thì nó cũng sẽ nẩy sinh nhiều dạng khuyết tật mới. Trẻ tự kỷ hiện nay đang trở thành một hội chứng của xã hội hiện đại.

Trẻ bị tự kỷ, ngoài việc chậm nói và không hiểu ngôn ngữ thì các trẻ này hành động theo một lập trình riêng và sống với một thế giới riêng. Trẻ không nhận biết và không quan tâm gì tới thế giới xung quanh. Trẻ có thể rất giỏi về tivi, máy tính, và con số, nhưng không giao tiếp bằng mắt, không có biểu hiện tình cảm với bất kỳ ai, kể cả với bố mẹ...

Như vậy, như TS nói thì tự kỷ không phải là bệnh, mà là một dạng khuyết tật?

- Ở Việt Nam, nhiều thứ không gọi là bệnh như bại não chẳng hạn. Tự kỷ cũng vậy. Chậm nói đơn thuần càng không thể gọi là bệnh. Chính xác, khoa học gọi chậm nói là tình trạng rối loạn phát triển ngôn ngữ.

Đối với trẻ chậm nói đơn thuần, theo TS, gia đình nên can thiệp như thế nào?

- Đã nói đến can thiệp thì phải nghĩ ngay đến việc phải cho con đến bệnh viện. Can thiệp được hiểu rất rộng và tuỳ theo mức độ chậm nói và số tuổi của trẻ. Ở Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện Nhi TƯ hiện nay tiến hành can thiệp theo 4 hình thức sau: Thứ nhất là can thiệp tại gia đình. Bác sĩ mời phụ huynh và trẻ vào viện. Tại bệnh viện, người kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn cho phụ huynh cách can thiệp. Có thể thông qua đồ chơi, có thể thông qua giao tiếp giữa những người trong gia đình... để huấn luyện về mặt ngôn ngữ. Sau đó trẻ có thể 1 tháng, hoặc 3 tháng quay lại khám lại, tuỳ vào mức độ. Can thiệp ở mức độ thứ 2 là cho con đi học mẫu giáo bình thường.

Tuy nhiên, bố mẹ phải quan tâm hơn, nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy ngôn ngữ của trẻ phát triển. Can thiệp mức độ thứ 3 là nếu thấy trẻ nói rất chậm so với tuổi (ví dụ 4 tuổi mà chẳng nói gì) thì trẻ lại cần phải có một cô một trò - gọi là can thiệp tích cực. Can thiệp mức độ thứ 4 là kết hợp cả một cô giáo về ngôn ngữ, một nhà tâm lý và bác sĩ.

Xin cám ơn TS.

Hưng Võ (thực hiện)

  • CHAT FACEBOOK